• Trang chủ
  • /
  • Tin tức
  • /
  • Câu Chuyện Phong Thủy Số 39: Tư Duy Phản Biện Trong Tín Ngưỡng Với Sùng Bái Hào Quang Cá Nhân
Câu Chuyện Phong Thủy Số 39: Tư Duy Phản Biện Trong Tín Ngưỡng Với Sùng Bái Hào Quang Cá Nhân
16/05/2023

Từ xưa đến nay, tôi có tin một vị Thánh - đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Người nào được gọi là Thánh tức là khi họ vốn dĩ đã từng là người phàm xác thịt, về sau viên tịch, mất đi qua một thời gian dài và giáo lý mà họ để lại vẫn chưa bị lãng quên mà còn sống mãi.

câu chuyện phong thủy - tư duy phản biện trong tín ngưỡng với sùng bái hào quang cá nhân

Việc tôi tin vào Pháp Phật không đồng nghĩa với việc chúng ta nên tin vào bất kỳ vị Tăng nào mà chúng ta gặp trong chùa. Tăng vốn dĩ cũng chỉ là người xuất gia, đi tu trước nên có nhiều kinh nghiệm hơn người tại gia hay cư sĩ nên họ chia sẻ kinh nghiệm tu tập lại mà thôi. Khi còn chưa qua đời, họ vẫn có thể mang đầy đủ Tham Sân Si Mạn trong người và vẫn có thể hoàn toàn phạm giới và đoạ địa ngục.

Điều này được minh chứng thông qua rất nhiều vụ tai tiếng ngay trong các tăng đoàn từ Phật Giáo Thái Lan, Trung Quốc (Thiếu Lâm Tự - trụ trì CEO Thích Vĩnh Tín) hay cả Công Giáo La Mã với các linh mục đi lầm đường. Thậm chí là lần gần nhất với việc những vị sư ở Myanmar cổ xuý cho nạn diệt chủng Rohingya hay họp báo tẩy chay một bộ phim Phật Giáo vì cô diễn viên tố cáo một vị sư sàm sỡ mình. Điều này đến từ hiệu ứng tâm lý học là Holy Effect - theo đó khi chúng ta sùng bái thần tượng một ai, chúng ta có xu hướng cho rằng người đó nói gì, làm gì cũng đúng.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói rằng: "Nếu tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta". Ngài cũng không muốn các đệ tử về sau đúc tượng mình mà thờ cúng, tôn vinh như một vị thần. Vậy mà rất nhiều người ngày nay thậm chí thần thánh hoá cả những người đang sống, xem một vài vị Rinpoche hay Lama là thần thánh hay Bồ Tát tái sinh mà dẫn đến tin 100%. Điều này biến quan điểm Phật Giáo từ một tôn giáo, một triết học có tính khoa học logic cao trở thành một dạng thờ cúng thần linh để cầu ban phước rẻ tiền bằng cách xếp hàng xin quán đảnh, lắng nghe những vị Pháp Vương dưới hình hài trẻ con mà chúng ta vẫn còn chưa biết trong đời này họ có phạm phải tội nghiệp nào trước khi họ qua đời hay không.

Nếu như họ là người tái sinh để tiếp tục truyền bá giáo pháp, cứu độ chúng sinh, điều này rất tốt. Tuy nhiên, không lẽ đã tu từ nhiều kiếp thì có nghĩa là kiếp này không cần phải tu, không cần sửa sai mà cứ như vậy sẽ luôn là Thánh Tăng?

Tốt nhất nếu là người có tín ngưỡng và muốn tỉnh tín chứ không mê tín, người thật sự có tư duy phản biện thì nên tự tu tập, dựa vào giới luật mà tu giải thoát. Như Đức Phật đã nói "Sau khi ta mất, các con xem giới luật là thầy".

Thái độ trung dung, xem và suy ngẫm cho riêng bản thân của mình là rất cần thiết khi chúng ta đang sống trong dòng chảy của những biến động của thời điểm giao vận. Vốn dĩ không có chân lý nào là tuyệt đối mãi mãi, quy luật của vũ trụ vẫn mãi vận hành dù có hay không có một cá nhân nào.

Và vốn dĩ không có ai là Thánh ngay khi còn sống. Mỗi người vẫn hoàn toàn có thể phạm sai lầm vì bất kỳ lý do gì, vô tình hay hữu ý. Nếu chúng ta hoàn toàn đem niềm tin giao phó cho bất kỳ ai tức là chúng ta tự tước đoạt đi của mình sự độc lập và khiến mình dễ bị tổn thương khi niềm tin vào một cá nhân nào đó tan vỡ.

Trong bài viết này, tôi không có ý phản đối hay ủng hộ gì với một cá nhân nào. Bản thân tôi khi không có đủ hiểu biết về một sự việc hiện tượng, tôi giữ cho mình quan điểm trung dung. Bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, có thể là một cử chỉ quá thân mật, một nghi thức tôn giáo hay đơn giản là một hành xử vô tình bị ghi lại. Và điều này tất nhiên cũng không có liên quan gì đến tôi.

Tuy nhiên, thiết nghĩ trong thế giới mạng ngày nay, các bạn nên tìm hiểu mọi vấn đề bằng nhiều khía cạnh khác nhau để có được góc nhìn đa chiều và hiểu đúng hơn về bản chất của vấn đề.

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương