Việt Nam Bao Giờ Sẽ Đuổi Kịp Đất Nước X?
23/10/2023

Trong một buổi nói chuyện cafe thân mật với một anh khách hàng người Việt tại Memphis Hoa Kỳ, Thầy Phương và đội ngũ Tường Minh thấy anh đưa ra câu hỏi tu từ như này "Liệu Việt Nam Bao Giờ Sẽ Đuổi Kịp Đất Nước X?.

Việt Nam Bao Giờ Sẽ Đuổi Kịp Đất Nước X?

Đây là câu hỏi gần như chúng tôi luôn thấy trong các bài báo so sánh giữa Việt Nam và Thái Lan, Singapore,….các nước xung quanh trong khu vực mà có xuất phát điểm lịch sử có phần tương tự như Hàn Quốc hoặc có địa lý gần gũi tương tự với Việt Nam ví dụ như cùng là Đông Nam Á.

Cũng là câu hỏi được người Việt Nam lấy ra bàn trong những câu chuyện vỉa hè, cà phê... rồi ngán ngẩm thở dài. Hoặc cũng là khẩu hiệu cửa miệng của một vị lãnh đạo nói rằng "sẽ biến Quận 1 thành Singapore và rồi….”. Có rất nhiều đáp án câu trả lời cho câu hỏi này thông qua các tính toán của các nhà kinh tế học dựa trên những số liệu GDP, phát triển con người,….Thế nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi liệu câu hỏi này có cần thiết hay không?

Sự Thật Phũ Phàng - Ăn Mày Dĩ Vãng

Có rất nhiều người kể ra câu chuyện nói rằng nước Việt từng được ví von như Hòn Ngọc Viễn Đông - Pearl of the Orient, rồi nào là kinh tế Việt Nam từng là đứng đầu này kia khiến cho ông Lý Quang Diệu khi đến thăm Việt Nam còn phải ao ước, giá như một ngày nào đó Singapore bằng được như Việt Nam hoặc kinh tế Hàn Quốc từng một thời nghèo hơn cả Việt Nam mà sau đó họ vươn lên,…

Thực ra việc nói Việt Nam được xem như Hòn Ngọc Viễn Đông (Pearl of The Orient) chỉ là một cách nói văn vở, nghe qua có vẻ tự hào nhưng thực tế danh xưng này cũng từng được gọi cho Philippines, hay đảo Penang của Malaysia cũng từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Ví dụ như danh xưng Hòn Ngọc Biển Đông - Pearl of the Orient Seas từng được gán cho Manila - thủ đô của Phillipines (theo tiếng Tây Ban Nha "Perla del Oriente” ) mãi từ năm 1751. Ở Phillipines, người ta cũng kỷ niệm danh xưng này bằng một toà nhà chung cư có tên là Pearl of the Orient Tower.

Hay Thượng Hải, Hong Kong cũng được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông. Bằng chứng là tại Thượng Hải ngày nay có một toà tháp đài truyền hình có tên là The Oriental Pearl Tower - Tháp Truyền Hình Đông Phương Minh Châu 东方明珠广播电视塔.

Nếu người nào từng đi du lịch sang đảo Penang, Malaysia cũng từng thấy trên các con đường tại đây đều có ghi là Penang - Pearl of The Orient. Thậm chí Sri Lanka hay Phnom Penh cũng từng được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông.

Vậy thì cái danh xưng văn chương lãng mạn này chỉ là một thủ pháp tự sướng về tinh thần chứ không hề có một ý nghĩa công nhận gì.

Hay chuyện ông Lý Quang Diệu từng đi thăm Việt Nam và ước rằng một ngày nào đó Singapore sẽ bằng được như Việt Nam. Chúng tôi không biết câu chuyện này được trích từ đâu, lời của ông hay được tưởng tượng ra, nhưng không hề có văn bản chính thức nào ghi chép lại. Truyền thuyết đô thị rằng Singapore từng là một làng chài nghèo thực ra chỉ là chuyện vớ vẩn, cần biết rằng khi thực dân Anh chọn xâm lược Malaysia và Singapore đã nhắm đến vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải thế giới.

Đảo quốc nhỏ bé Singapore có một lợi thế về cảng biển rất lớn, đứng tầm thế giới và khu vực, tất nhiên là hơn hẳn cảng Hải Phòng hay cảng SG của Việt Nam ngay từ rất lâu trước đó mà về sau mà chúng ta dù có cố gắng cũng khó có thể đạt được vị trí địa lý quan trọng về cảng biển, logistics như họ.

So Sánh Với Người Láng Giềng - Có Phải Là Giải Pháp Hay Nỗi Ám Ảnh Nhược Tiểu?

Chúng tôi có cảm giác nỗi sợ hãi khi thiếu đi sự tự tin mà phải đi so sánh với người bên cạnh xuất phát từ tâm lý tiểu nông.

Ví dụ như bạn sống trong một khu làng và khi có một người giàu lên mua được xe hơi trong khi nhà bạn vẫn chạy xe gắn máy thì bạn lập tức sinh ra tâm lý ganh tỵ đố kỵ. Cuộc sống của bạn bắt đầu bị ám ảnh bởi việc phải so sánh bao giờ nhà mình mua được xe hơi, bao giờ xây nhà 4 tấm như nó.

Thay vì cố gắng học hỏi giỏi hơn mỗi ngày, cố gắng chăm chút cho gia đình mình được vui vẻ, hạnh phúc hơn thì họ đi so sánh với nhà hàng xóm. Và để thoả mãn cho tâm lý đó thì mình phải đi vay mượn thật nhiều tiền từ ngân hàng, đi chăm chỉ cày cuốc để nhà mình cũng có xe hơi chạy, cũng có nhà 4 tấm không thua bố con thằng nào trong xóm.

Điều này chúng tôi thấy xuất hiện ở các nông thôn Việt Nam rất nhiều khi đi dọc theo tuyến đường quốc lộ chạy khắp cả nước, đến làng quê nào cũng khang trang nhà cao cửa rộng cho đến lúc hỏi thăm mới biết toàn tiền đi vay mượn để xây căn nhà cho bằng anh bằng em.

Chúng ta quên mất rằng của cải vật chất là thứ hữu hình, nó chỉ phản ánh năng lực vô hình về trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh của người cầm giữ nó. Cũng như những trào lưu phân tích thời trang ăn mặc theo kiểu old money, silent luxury cho ra vẻ giới tinh hoa mà quên mất rằng dù bạn có sở hữu cái túi hàng hiệu nào nhưng bản chất bên trong của bạn là nhà giàu mới nổi thì vẫn không thể giấu giếm được.

Thay vì cố gắng so sánh với một nước nào khác thì chúng ta hãy đặt mục tiêu cho những thay đổi nhỏ, tầm 1% mỗi ngày, cố gắng xây dựng một phiên bản tốt hơn ngày hôm qua là đã đủ. Chúng tôi cho rằng lãi suất kép thật sự là một công thức tuyệt vời để áp dụng trong cả tài chính hoặc cuộc sống, khi tập trung toàn bộ năng lực vào việc học hỏi thay vì cố gắng để ý xung quanh xem người ta làm gì và cố gắng chạy đua trong một cuộc đua không có hồi kết vì vốn dĩ cũng không có quốc gia hay cá nhân nào họ dừng lại để chúng ta bắt kịp

Và dẫu cho chúng ta bắt kịp một quốc gia nào đó, hay xây được căn nhà cũng to cao như nó, cổ phiếu của chúng ta cũng bằng ngang ngửa với các công ty ô tô hàng đầu thì nó thật sự có phải là niềm tự hào hay hạnh phúc thật sự.

Đại sư Phương đã tiếp xúc nhiều với bạn bè ở các nước phát triển, và thấy được họ có thật sự quan tâm đến việc so sánh giữa quốc gia của họ và các quốc gia khác không? NO, họ quan tâm nhiều hơn đến bản thân họ, gia đình họ sao cho mỗi ngày sẽ càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thông qua từng tế bào nhỏ được cải thiện thật sự, sẽ xây dựng nên một quốc gia hùng cường, lúc đó có cần thiết việc so sánh đang ở thang điểm nào, bảng xếp hạng nào hay không.

Việt Nam Bao Giờ Sẽ Đuổi Kịp Đất Nước X?

Nhân thật sự quan trọng hơn Quả, nếu tập trung vào việc gieo trồng những nhân thiện lành thông qua việc sống đạo đức, học tập kiến thức, tu sửa bản thân thì đến một lúc đủ chín Quả ngọt sẽ nở. Cũng ví như việc nên tập trung chăm bón, làm vườn, xới đất, tưới cây, nhặt bỏ lá sâu…

Còn suốt ngày nhìn xem hàng xóm có bao nhiêu Quả ngọt, Quả sâu rồi soi mói, chê bai hoặc ao ước thì cũng chỉ là một người chờ sung rụng, muốn trúng vé số giải độc đắc.

Chia sẻ, 

Nguyễn Thành Phương

Memphis, USA