Mồng 10 Tháng Giêng - Ngày Vía Thần Tài Thổ Địa - 1001 Pháp Phong Thuỷ
30/01/2023

1. Ngày 10 Tháng 1 Âm Lịch Là Thờ Thần Tài ?

Không biết từ bao giờ thì ngày mồng 10 tháng 1 Âm Lịch được người Việt xem là ngày vía Thần Tài. Lời khuyên phổ biến nhất là nên đi mua vàng vào ngày này hay cúng cá lóc nướng.

Điều thú vị là thực chất ngày này theo tín ngưỡng Đạo Giáo chính là ngày sinh của Ngũ Phương Địa Chủ Tài Thần Thiên Thu Bảo 五方地主財神千秋寳 tức là vị Thổ Địa Công kiêm Thần Tài trong nhà chúng ta. Phúc Đức Chính Thần còn được gọi là Thổ Địa Công 土地公 hay Phúc Đức Gia, Bác Công, Đại Bác Gia hay Thổ Thần, Thổ Địa Thần. Thổ Địa ở nơi rừng núi hay mộ phần thì thường gọi là Hậu Thổ. Ở một số tỉnh miền Nam Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến còn thường được thờ trong miếu gọi là Thổ Địa Công Miếu hoặc Phúc Đức Cung, người Khách Gia còn gọi là Đại Bác Công Từ 大伯公祠 hoặc Phúc Địa 福地.

Người xưa cho rằng chính vị gia thần này là người theo sát phước đức của gia chủ, biết rằng nhà này ăn ở sinh hoạt ra sao mà ban phước nên còn gọi là Phước Đức Chính Thần. Người Châu Á từ xưa đến nay là chú trọng đến trồng trọt, làm nông nghiệp nên tín ngưỡng thờ Thổ Thần có từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết thì Thổ Địa Công xuất phát từ thời nhà Chu, tên gốc là Trương Phúc Đức, sinh ra vào năm thứ hai triều Chu Võ Vương.

Từ nhỏ Trương Phúc Đức là người thông minh, hiếu thảo, đến năm 36 tuổi thì thì thoái quan vì ông là người liêm chính, yêu dân. Ông sống đến năm 102 tuổi.

Người xưa cho rằng thần linh dựa vào đạo Đức của gia chủ mà ban Phúc hay hoạ tương ứng, phước ở đây chính là tài lộc thịnh vượng. Do đó nên vị Thổ Địa cũng được xem là vị Thần Tài dễ dãi nhất, bình dân nhất và gần gũi nhất trong nhà.

2. Ngày Mồng 10 Nên Đi Mua Vàng Và Cá Lóc Nướng?

Trên bài vị Thổ Địa có ghi 2 câu: "Thổ Năng Sinh Bạch Ngọc, Địa Khả Xuất Hoàng Kim" có nghĩa là đất có thể sinh ra vàng và ngọc. Do đó có thể dân gian dựa vào câu này mà khuyên mọi người đi mua vàng để được Thổ Địa Thần Tài phát Lộc.

Tuy nhiên vì thuyết cúng cá lóc nướng thì tôi không hiểu từ đâu ra. Có thể vì người ta cho rằng Ông Táo thì sử dụng Cá Chép còn Ông Địa thì dùng Cá Lóc chăng? Kỳ thực điều này do nhiều người bán cá bày ra chứ hoàn toàn không có ghi chép trong sách vở nào, mọi người muốn theo cũng được, không theo cũng được.

Ngoài lề một chút, tôi thấy có nhiều tranh cãi trong việc năm nào VNExpress cũng đăng có người thả bịch nylon cá chép vào 23 tháng chạp để cho ông Táo về trời. Kỳ thực phong tục thả cá chép chỉ có tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc do quan niệm rằng cá chép hoá rồng nên sẽ có thể biến thành rồng mà đưa ông Táo về trời?

Tuy nhiên quan điểm này chỉ mang tính dân gian địa phương chứ chưa hẳn ai ai nhà nhà đều phải theo, nếu bạn thấy không hợp lý thì không cần phải theo. Vì lẽ cá chép thả ngày nay dễ bị bắt đem bán lại. Thả bịch nylon cá chép từ trên cầu Long Biên thì không gọi là phóng sinh mà gọi là bức tử. Phong tục của nhiều nơi ở miền Nam, Trung là cúng ngựa giấy hoặc cá chép giấy để dễ dàng hoá vàng. Người Hoa thì cúng cặp mía tạo thành cây thang để ông dễ dàng leo lên trời và lại có mía ăn cho ngọt ngào mà tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kỳ thực ngày 23 tháng Chạp nói đúng ra không phải là ngày riêng một Táo Quân về chầu Ngọc Hoàng mà theo tín ngưỡng Đạo Giáo là ngày tất cả thần linh trong nhà (gọi chung là gia thần) về thiên đình bẩm báo về phước tội của gia chủ.

Do đó từ ngày 23 tháng Chạp đến trước Giao Thừa là thời điểm có thể thay bát hương, dọn dẹp ban thờ mà không cần phải chọn ngày giờ, kiêng động bát hương.

3. Pháp Thờ Cúng Thổ Địa Ngày Mồng 10 Tháng Giêng

Nên sử dụng 5 nén nhang đại diện cho Ngũ Lộ Tài Thần, một bộ giấy tiền vàng mã nhất là có tờ giấy có in hình Thần Tài để dán nơi ban thờ, sau đó hoá vàng sau khi xong.

Khi thờ cúng Thổ Địa, nên thường xuyên đọc An Thổ Địa Thần Chú sẽ rất linh nghiệm trong việc cầu tài.

Câu chú này theo Mật Tông mà rất nhiều Đạo Sĩ, Hoà Thượng đã hướng dẫn rất phổ biến, đó là: Na Mo Bu Da Nam Om Du Lu Du Lu De Vi Swa Ha.

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương