Câu Chuyện Phong Thủy Số 46: Đệ Nhất Địa Sư Khán Tinh Đầu
06/07/2023

Người xưa có câu: "Đệ tam địa sư khán long tấu, đệ nhị địa sư khán thuỷ khẩu, đệ nhất địa sư khán tinh đầu"- trong đó xếp hạng tầm quan trọng của Long mạch, nước chảy và sao trên trời lần lượt theo thứ tự ưu tiên 3, 2 và 1.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thuật ngữ Phong Thuỷ dùng chữ Tinh (星) để chỉ các ngọn núi trên mặt đất. Người học Loan Đầu, đọc nhiều sách phong thuỷ chắc hẳn sẽ không xa lạ gì với các thuật ngữ Tham Lang Tinh, Cự Môn Tinh, Phá Quân Tinh….tất cả đều là các sao nhưng lại được dùng để chỉ những thế đất, hình dáng núi.

Đây là câu chuyện có thật mà khi chúng tôi dẫn một đoàn học viên đến khảo sát Âm Trạch Miền Bắc: “Cách đây vài trăm năm, một gia tộc thỉnh được thầy phong thuỷ cao tay từ Trung Quốc sang. Thầy phong thuỷ này ban ngày không đi xem phong thuỷ nhưng ban đêm bắt người nhà dẫn đi. Người nhà thấy lạ ở chỗ tay không cầm La Bàn, mắt không nhìn hình thế đất trên mặt đất, mà chỉ nhìn lên trời quan sát xong, tay bấm độn, miệng lẩm nhẩm rồi đi băng băng đến một điểm rồi chỉ xuống đất, nói đây chính là huyệt”.

Đa phần tất cả học viên đều lấy làm ngạc nhiên về vấn đề này nên tôi xin giải thích rằng: “Thầy phong thuỷ xem long mạch để định huyệt mới chỉ là hạng ba trong giới địa sư, hạng thứ hai giỏi hơn là xem nước để định huyệt, hạng nhất là xem sao trên trời để định huyệt. Dĩ nhiên xem sao trên trời thì cố nhiên là phải đợi đến ban đêm mới xem được huyệt, ban ngày không xem được huyệt."

Có học viên lại thắc mắc: “Thế không mở La Bàn ra thì biết tính toán lý khí như thế nào, định sơn hướng phân kim ra sao?”

Thực ra, ở đẳng cấp cao thì khi định được huyệt rồi, gần như không còn phải băn khoăn về lý khí, tính toán về độ số. Ông Trời đã cho huyệt thì đã tự nhiên định sẵn bố cục hình thế loan đầu, thiên địa đã định vị sẵn, chỉ theo thế bình thường tất hợp lý, tất thuỷ hoả bất tương xạ, lôi phong tương bạc, gió nước đối đãi…Cho nên chúng ta chỉ đi theo con đường tự nhiên, gọi là Đạo thì tất thành, mà Đạo thì ở sẵn trong tâm người thầy phong thuỷ nên gọi là Tâm Đạo - là cái mà Tưởng Đại Hồng nhắc đến trong bản Thanh Nang Áo Ngữ do ông công bố “Hướng thiên tâm tầm thập đạo”. Người thầy ham danh lợi, muốn bản thân được người khác ca tụng công đức, tham tiền bạc thì sẽ bị mờ mắt, tâm đạo không vững không thành công.

Trong Ta Tử Pháp của Tăng Tử Nam có 1 pháp được truyền từ thời Chương Trọng Sơn - tổ sư của phái Vô Thường gọi là “Thấu Địa Nhãn”, gọi đầy đủ là “Thiên Long Thấu Địa Nhãn Pháp”. Người thầy hiểu được pháp này thì không cần dùng La Bàn vẫn có thể biết được căn nhà nào tốt xấu ra sao, người trong nhà hung cát thế nào, phần mộ này phát cho ai, phát lúc nào, phát về mặt gì, hung cát cụ thể chỉ bằng quan sát qua 2 mắt thường. Nếu thật sự đó đúng là huyệt thì thầy địa lý chỉ cần chỉ chỗ chôn, sau đó người nhà định chôn cất thì sẽ phát, không cần thầy phải có mặt đo đạc La Bàn xem đặt hướng gì, ra sao, có chính xác đúng phân kim đã tính toán hay không. Trong khẩu quyết Phong Thuỷ có câu “Nhất vị nhị hướng” - nếu đúng vị trí thì hướng chỉ còn xếp thứ hai.

Có người hỏi “Thế xem phong thuỷ, sao lại không xem trên mặt đất mà nhìn lên trời làm gì?”

Xem mặt đất tức là dùng hình thế, xem Hậu Thiên Bát Quái tức là các thực tế ứng dụng. Do đó, Hậu Thiên Bát Quái trọng La Bàn tức kim chỉ Nam. Trong đó, Ly Nam Hoả và Khảm Bắc Thuỷ xếp vị trí ưu tiên mà hình thành nên vạn vật. Cần biết gốc của lý khí là từ Tiên Thiên Bát Quái, khí của vũ trụ, của Thiên Phụ Càn giao với Địa Mẫu Khôn mà hình thành, nên Thể quan trọng hơn Dụng.

Tại sao lại gọi các núi là Tinh? Vì bản chất núi muốn hình thành là do sự vận động tương tác giữa Thiên và Địa, giữa vận động địa chất và sự tương thích lực hấp dẫn từ các hành tinh tác động lên. Người học qua Thủ Tướng Học tức xem chỉ tay sẽ biết sự hiện diện của các gò tinh trên bàn tay. Vì chỉ tay cũng là một trong những dạng xem tướng, tương tự như xem tướng mộ.

Vậy chúng ta bị tác động bởi những ngôi sao nào? Chính là Mộc Tinh Jupiter hay còn gọi là Mộc Đức hay Thái Tuế, Kim Tinh Venus hay còn gọi là Thái Bạch, Nhật, Nguyệt,….Nếu ai học qua Bát Tự sẽ biết đến Lục Hợp địa chi đó là Tý Sửu hợp hoá Thổ, Tỵ Thân hợp hoá Thuỷ, Ngọ Mùi hợp Nhật Nguyệt mà không thấy sách vở nào giải thích tại sao lại có Nhật Nguyệt. Bản chất đây là sơ đồ của các hành tinh trên bản đồ thiên văn chiêm tinh học mà thôi. Người nào dựa vào đây để tính toán lý thuyết của Bát Tự rồi đề cao chuyện hợp hoá này e rằng đã hiểu sai ý đồ của người xưa.

Các hành tinh đó chiếu đến trên mặt đất, tuỳ ở vùng nào mạch khí cường nhược ra sao mà sẽ hợp thành sinh ra 1 loại núi theo đặc tính của sao đó. Chẳng hạn, Tham Lang Tinh thuộc hành Mộc do sự tác động của Mộc Đức nên núi Tham Lang cao, gầy như cậy. Liêm Trinh thuộc Hoả nên núi nhọn sắc bén…từ đó mà suy ra.

Đề tài phong thuỷ đôi khi thật khó để nói cho rõ ràng, ngắn gọn. Nếu bạn mong muốn được hiểu rõ từng vấn đề trong phong thủy, bạn có thể tham gia các khóa học phong thủy tại Tường Minh. Hoặc cũng có thể cùng nhau trao đổi trong những bài viết hoặc video kế tiếp.

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương