Trương Phi - Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng Kỳ 2
20/09/2023

Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng - Trương Phi

Đối lập với Lá số của Quan Vân Trường với Hoả cực vượng trong lá số chính là của Trương PhiLá số Bát Tự của Trương Phi được xem là Quý Hợi ở Tứ Trụ. Rất khó nói về độ chính xác của thông tin ngày giờ sinh của Trương Phi tuy nhiên so với những gì được ghi nhận trong Tam Quốc Chí và Tam Quốc Diễn Nghĩa thì thông tin trên rất khớp.

Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng - Trương Phi

Bát Tự của Trương Phi   

Xuất Thân Trong Gia Đình Giàu Có

Trương Phi tự là Ích Đức, hay thường được gọi là Dực Đức, người Trác Quận (nay là Trác Châu, tỉnh Hà Bắc). 

Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Thuỷ nhìn chung đại diện cho tài lộc, tiền bạc giàu có và thịnh vượng. Người vượng Thuỷ với Thuỷ là dụng thần thì cuộc đời cũng thường suôn sẻ, từ nhỏ sinh ra trong gia đình có điều kiện, đời sống nhìn chung như nước chảy không gặp phải cản trở gì. Do đó hỉ dụng thần của ông là Kim và Thuỷ.

Từ nhỏ, ông nổi tiếng là một doanh nhân buôn bán rượu rất thành công và là người chu cấp tài chính cho Lưu Bị trong giai đoạn đầu dựng cờ khởi nghĩa. Rượu tất nhiên thuộc hành Thuỷ, vì lá số của ông toàn Thuỷ nên ông bán rượu thành công, cũng là người nghiện rượu, uống rượu nghìn ly không say.

Trương Phi Hữu Dũng Vô Mưu Hay Là Cực Kỳ Thông Minh?

Người Thuỷ cực vượng hoặc Thuỷ là dụng thần là người có trí thông minh cao, đầu óc linh lợi.

Theo Tam Quốc Chí thì Trương Phi viết chữ rất đẹp và là một họa sĩ, ông có sở trường vẽ tranh mỹ nhân. Lịch sử cũng ghi chép rằng Trương Phi là một nhà thư pháp giỏi, một vị tướng quân văn võ song toàn. Ngô Trấn, một nhà thơ đời nhà Nguyên viết bài thơ “Trương Dực Đức từ”, trong đó có viết: “Văn võ thú tuy biệt, cổ nhân thường hữu dư, hoành mâu tư uyển lực, Do Tượng khủng nan như” (Văn võ là hai chuyện khác nhau, nhưng người xưa (Trương Phi) giỏi cả hai điều ấy.

Cầm ngang ngọn mâu nghĩ sức mạnh, Chung Do - Hoàng Tượng (hai nhà thư pháp nổi tiếng thời Tam quốc) cũng không được như vậy). Trong cuốn “Đan Diên Tổng Lục” thời nhà Minh ghi lại rằng: “Phù Lăng có Trương Phi dùng binh khí khắc chữ. Văn tự vô cùng tinh tế, nét vẽ như bay lượn.” Về tính cách, Tam Quốc Chí và một vài tư liệu chính sử ghi lại rằng Trương Phi “chuyện nhỏ thô lỗ, trong thô có tinh, đại sự có kế, mưu lược hơn người”.

Rõ ràng là theo Tam Quốc Chí thì Trương Phi là người mưu lược hơn người nhưng qua ngòi bút của La Quán Trung trong tiểu thuyết diễn nghĩa thì ông lại miêu tả Trương Phi là người thô lỗ, cục cằn, nóng tính. Một miêu tả bất công của La Quán Trung đó là ông cho rằng Trương Phi chẳng có tài cán thông minh gì mà chỉ là người thô lỗ, nóng tính, hữu dũng vô mưu. Kỳ thực, người vượng Thuỷ như Trương Phi thì mưu tính đầy mình.

Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng - Trương Phi

Một câu chuyện có thể chứng minh cho sự thông minh của ông là vào giai đoạn quân Thục hành quân vào Tây Xuyên. Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng lúc đó Gia Cát Lượng thống lĩnh Trương Phi và Triệu Vân mang cánh quân vào Tây Xuyên. Nhưng các sử gia đính chính rằng: thực tế là Trương Phi và Triệu Vân theo lệnh của Lưu Bị mang theo Gia Cát Lượng cùng đi, vì lúc đó chức vụ của Trương Phi (Chinh lỗ tướng quân) cao nhất, sau đó đến Triệu Vân (Nha môn tướng quân), rồi mới đến Gia Cát Lượng (Quân sư trung lang tướng, chức "trung lang tướng" còn kém "tướng quân" một cấp). Các sử gia còn bàn rộng hơn rằng, lúc đó Trương Phi ngoài chức tướng quân, ông còn có tước đình hầu, như vậy đã có thể xưng "Cô" như Tào Tháo và Tôn Quyền.

Như vậy, điều này đã chứng tỏ để tôn vinh đề cao nghĩa khí của Quan Vân Trường thì La Quán Trung đã sử dụng thủ pháp hạ thấp, có phần làm cho hình tượng Trương Phi bị méo mó.

Ngoại Hình Của Trương Phi

La Quán Trung mô tả ước lệ trong Tam quốc diễn nghĩa về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”. Do ảnh hưởng lớn của cuốn tiểu thuyết này, người đời sau thường nghĩ Trương Phi có khuôn mặt dữ tợn và râu rậm.

Kỳ thực thì ngoại hình của Trương Phi tương đối thấp, đậm người và da mặt đen. Đó là đặc điểm của hành Thuỷ là chảy xuống thấp bên dưới nên người vượng Thuỷ như Trương Phi thì có thân hình thấp trong khi vượng Hoả như Quan Công lại có dáng người cao vì lửa luôn bốc lên cao.

Màu sắc của Thuỷ là màu đen nên người vượng Thuỷ thì da ngâm, trong khi vượng Hoả như Quan Công thì da mặt đỏ au. Cũng như tướng đậm, tròn trịa hơi béo của Trương Phi cũng phù hợp với đặc tính của Thuỷ.

Đường Đời - Những Chi Tiết Thú Vị

Cũng vì vượng Thuỷ nên cuộc đời của ông trải qua những đại vận 20, 30 tuổi rất vượng do toàn bộ gặp các hành Kim và Thuỷ.

Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng - Trương Phi

Đại Vận của Trương Phi

Đại vận đầu tiên là Nhâm Tuất, Canh Thân, Tân Dậu toàn bộ đều là những hỉ dụng thần rất có lợi cho bản thân ông.

Có thể nói bất kỳ ở địa điểm nào vượng Thuỷ thì ông đều gặp may mắn thuận lợi.

Ví như năm 208, Tào Tháo sau khi tiêu diệt họ Viên làm chủ miền bắc, phát đại quân tấn công Kinh châu. Con Lưu Biểu (mới mất) là Lưu Tông đầu hàng. Lưu Bị không chống nổi Tào Tháo, mang dân vượt sông. Tào Tháo mang quân thiết kỵ truy kích, đuổi kịp Lưu Bị ở Đương Dương Tràng Bản.

Lưu Bị quân ít lại phải lo cho dân thường đi theo nên không chống đỡ nổi, phải bỏ cả gia quyến chạy, quân bị thua tan tác. Trương Phi theo lệnh Lưu Bị mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Ông đợi Lưu Bị cùng những người đi kịp sang sông rồi đứng ra chặn hậu ở đầu cầu Trường Bản để chặn quân Tào truy đuổi.

Quân Tào truy kích đuổi đến nơi. Một mình Trương Phi hùng dũng đứng trên cầu cầm xà mâu, không ai trong quân Tào dám tiến lên giao phong và Tào Tháo phải cho quân rút lui.

Có thể nói khi đứng một mình trên cầu băng ngang sông lớn, là Trương Phi với lá số vượng Thuỷ đã đứng tại nơi mình hoàn toàn làm chủ trận địa. Vì lẽ đó nên khí thế hùng dũng, hào quang toả sáng khiến cho người người khiếp sợ.

Hay một câu chuyện khác, năm 211, Lưu Bị mang quân vào đánh Ích châu của Lưu Chương. Trương Phi cùng Quan Vũ, Triệu Vân và Gia Cát Lượng trấn giữ Kinh châu.

Tôn Quyền nghe tin Lưu Bị đi vắng, bèn phái một đội thuyền đến Kinh châu đón em gái về. Tôn phu nhân (hay Tôn Thượng Hương) muốn mang theo con Lưu Bị là Lưu Thiện lúc đó mới 7 tuổi, về theo. Trương Phi và Triệu Vân nghe tin, vội mang quân ra chặn sông, khuyên Tôn phu nhân ở lại nhưng bà không nghe. Hai tướng đành để Tôn phu nhân đi, nhưng buộc bà để lại A Đẩu.

Một lần nữa, khu vực sông - hành Thuỷ vượng là nơi thuận lợi cho Trương Phi tác chiến.

2 ví dụ trên cho thấy nếu một người nắm được lá số Bát Tự của mình cần dụng thần gì thì hoàn toàn có thể chọn những chiến trường có lợi cho mình.

Ví như một người có hỉ dụng thần là hành Thuỷ thì nên hẹn đối tác ở các quán cafe sân vườn, nhà hàng ven sông hay ở cạnh bờ biển thì sẽ rất có lợi cho việc đàm phán thương lượng với các điều kiện có lợi cho bản thân mình.

Cái Chết Do Gặp Kỵ Thần - Thuyết Âm Mưu

Lá Số Bát Tự Nổi Tiếng - Trương Phi

Điển tích kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị - Quan Vũ – Trương Phi

Lá số Thuỷ vượng của Trương Phi cũng giống như một chiếc xe chạy tốc độ nhanh trên đường cao tốc, nếu đột ngột gặp phải cản địa như một hòn đá hành Thổ sẽ làm cho dòng nước đột ngột bị chặn lại, xe sẽ gặp tai nạn thảm khốc.

Cuộc đời đang suôn sẻ với những ngũ hành có lợi trong lá số, đại vận thì khi bước vào vận Thổ Kỷ Mùi ông dần dần đi xuống và mất vào đại vận Mậu Ngọ.

Thổ và Hoả là kỵ thần của ông cũng như là lá số của Quan Công nhiều Hoả Thổ vốn khiến cho 2 anh em Quan Trương tuy yêu thương nhau nhưng khi gặp nhau cũng như nước với lửa, thường xuyên cự cãi.

Có nhiều thuyết âm mưu cho rằng chính Lưu Bị muốn nuốt lời thề Hội Bàn Đào năm xưa để tiêu diệt các người anh em mình là Quan Công và Trương Phi để dành ngôi báu cho con của mình là Lưu Thiện. Kế này là theo sự cố vấn của Gia Cát Lượng.

Khi Quan Công mất đi, Trương Phi rất nôn nóng muốn đánh Đông Ngô để báo thù. Tuy nhiên, Lưu Bị xưng đế 3 năm không hề nhắc đến chuyện báo thù cho Quan Vũ, khiến Trương Phi "mất phương hướng", rồi đến một ngày đột nhiên hạ chỉ phát binh phạt Ngô.

Trong 3 năm đó, Khổng Minh liên tục tặng rượu cho Trương Phi "để tránh Phi ham rượu mà để lỡ đại sự", Lưu Bị tỏ ra không đồng ý nhưng không ngăn Gia Cát Lượng mà chỉ phái Ngụy Diên "trợ lực Trương Phi”.

Sau 3 năm, Lưu Bị "nuôi" Trương Phi thành một kẻ nát rượu rồi ra lệnh "cấm rượu" trước ngày phạt Ngô được các học giả hiện đại đánh giá là một "đòn độc" rất cao tay.

Trương Phi là người "ưa mềm không ưa cứng", lệnh cấm của Lưu Bị chỉ khiến Phi càng ham rượu, mà Trương Phi càng ham rượu thì càng lộ rõ tính bạo ngược.

Ông bị 2 cấp dưới hạ sát vì đánh đập ép các quan dưới quyền phải chuẩn bị gấp rút cho trận chiến đánh Đông Ngô trong một thời gian ngắn.

Theo nhiều học giả Trung Quốc, việc Trương Phi bị ám sát trong quân chỉ là màn cuối trong vở kịch mà Lưu Bị và Khổng Minh đã dựng sẵn, khiến Trương Phi "vì ngu dốt mà tự hại mình".

Hi vọng Bát Tự có thể giúp soi sáng nhiều câu chuyện thú vị của lịch sử.

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương